“Lai Vung là xứ lạ lùng
Nem chua mà ngọt, thơm lừng mà say…”
Hãy cùng tìm hiểu xem vì đâu mà nem Lai Vung Đồng Tháp lại có được hương vị quyến rũ khiến ai cũng yêu thích như vậy nhé!
Ngoài những cánh đồng sen bát ngát nên thơ cùng những hội hè đặc sắc ra, thì vùng đất miệt vườn Đồng Tháp còn nổi tiếng với những chiếc nem chua Lai Vung “đảm bảo ăn một lần nhớ mãi”. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho mảnh đất này được nhiều người lựa chọn để đến thăm du lịch hằng năm.
Sự tích nem Lai Vung
Sau khi đã hỏi thăm những hộ sống lâu năm ở mảnh đất này, chúng tôi nhận ra rằng nem Lai Vung Đồng Tháp không có nhiều điển tích hay bất kỳ sự kiện lịch sử nào có liên quan như những món đặc sản khác.
Người dân ở đây kể rằng nem chua Lai Vung được người dân ở ấp Tân Khánh, Lai Vung làm ra, bắt nguồn từ bàn tay khéo léo của bà Tư Măn. Chính bà là người đã sáng tạo ra món này và dùng nó trong những bữa tiệc cưới hỏi ở địa phương. Sau này, người dân ở đây đã học làm theo để ăn rồi mang ra chợ bán. Nhờ vào hương vị mới lạ, thơm ngon, cuốn hút mà món ăn này được nhiều người ưa thích. Từ đó, qua trao đổi, buôn bán, nem Lai Vung Đồng Tháp được truyền tay nhau và đến với nhiều vùng đất khác.
Bí quyết làm nên đặc sản nem Lai Vung
Điều gì khiến nem Lai Vung trở thành món đặc sản không thể không thử khi đến Đồng Tháp? Đó chính là sự hòa quyện một cách hài hòa của các vị chua – ngọt – và màu sắc bắt mắt hơn so với các dòng nem chua khác.
Để cho ra thành phẩm những cuốn nem chua “đáng đồng tiền bát gạo”, người chế biến phải có bàn tay tài hoa và yêu cầu những khâu sơ chế, chế biến phải rất tỉ mỉ, chuyên nghiệp, cẩn thận.
Đầu tiên là việc chọn lựa những nguyên liệu để làm nem:
- Thịt lợn phải lựa phần thịt đùi có nạc thật ngon, dai vừa đủ, phần gân và mỡ được lược sạch, rửa sạch sẽ để ráo.
- Bì heo cũng phải được tuyển chọn từ heo mới mổ, bì heo phải sạch, cạo sạch lông xắt sợi mỏng, rửa sạch, luộc chín rồi ngâm với nước lạnh để đảm bảo độ dai dai, giòn giòn.
- Ngoài ra, các nguyên liệu khác như lá chuối, lá vông, lá chùm ruột, tỏi, tiêu, ớt,….. cũng phải được lựa chọn kỹ lưỡng và lau chùi sạch sẽ.
Tiếp theo là quy trình làm ra thành phẩm:
- Lấy thịt xay đã được ướp sẵn gia vị và đem ủ từ trước với bì heo theo tỉ lệ vừa phải. Sau đó bỏ vào khuôn hoặc máy ép ra đúng kích thước theo yêu cầu.
- Cho miếng tỏi và ớt xắt vào giữa miếng nem rồi dùng lá vông hoặc lá chùm ruột gói lại. Tiếp đến, người ta dùng lá chuối tươi để gói nem thành những hình vuông nhỏ.
- Gói thành hình vuông xinh xắn rồi dùng dây chuối hoặc dây ni lông buộc lại thành xâu. Nem Lai Vung Đồng Tháp sẽ được để 3-4 ngày ở nơi thoáng mát là thưởng thức được.
Nem Lai Vung Đồng Tháp thời hiện đại
Nem Lai Vung Đồng Tháp thỏa mãn thực khách ở mọi khía cạnh: vị giác, khứu giác và cả thị giác. Vị nem chua chua ngọt ngọt thanh thanh hòa quyện với vị cay cay mặn mặn của ớt, dai dai của thịt, giòn giòn sần sật của bì. Mùi thơm đặc biệt chỉ có ở nem chua Lai Vung nhờ vào lá gói và cả ớt xanh, tỏi. Lớp thịt nem màu đỏ hồng tươi tắn điểm xuyết với màu xanh của ớt và lá vông, cực kỳ thích hợp cho những bữa tiệc cưới hỏi, tân gia, hoặc những bữa ăn trong gia đình.
Thời gian bảo quản và thưởng thức nem cũng dài hơn so với các loại thực phẩm khác. Nem chua Lai Vung có thể giữ ăn trong vòng một tuần. Bạn có thể ăn chung với bún, rau thơm, nước mắm hoặc các loại tương ớt khác hoặc ăn không cũng được.
Ngày nay, lá vông trở nên thiếu hiếm. Do đó, nhiều hộ gia đình sử dụng lá tầm ruột thay cho lá vông, dây nilon được dùng thay lá chuối. So với việc dùng cối giã thịt và bì heo thủ công như ngày xưa thì nay mọi người đã thay bằng máy xay nhuyễn. Dù vậy, vị đậm đà thơm ngon đặc trưng của nem Lai Vung Đồng Tháp thời hiện đại không biến đổi là mấy.
Có dịp đến Đồng Tháp, đừng quên ghé thăm làng làm nem và thử vài miếng nem thơm nồng đậm vị, bạn nhé!